Khi nghĩ về kiến trúc, ta thường hình dung đến những tòa nhà cao lớn với, thiết kế độc đáo. Tuy nhiên, một yếu tố quan trọng nhưng ít được chú ý là thiết kế cảnh quan, góp phần định hình trải nghiệm không gian.
Trong thiết kế hiện đại, kiến trúc cảnh quan không chỉ bổ trợ mà còn hòa quyện với công trình, tạo nên sự hài hòa với thiên nhiên, nâng tầm giá trị thẩm mỹ và tương tác.
1. Cảnh quan như một phần của câu chuyện xây dựng
Thiết kế cảnh quan là yếu tố quan trọng trong kiến trúc, mở rộng ngôn ngữ thiết kế của công trình vào môi trường xung quanh. Một cảnh quan được chăm chút không chỉ làm nền mà còn khuếch đại câu chuyện kiến trúc.
Chẳng hạn, một trung tâm văn hóa có thể sử dụng các yếu tố cảnh quan để phản ánh lịch sử khu vực, như lối đi mô phỏng các con đường thương mại xưa, vật liệu địa phương, hoặc cây trồng bản địa gợi nhắc về truyền thống canh tác.
Cảnh quan có thể tiếp nối phong cách kiến trúc bằng cách sử dụng hình dạng, đường nét và chất liệu tương đồng.
Ví dụ, một tòa nhà tối giản có thể được trang trí bởi các bãi cỏ vuông vức, hàng cây điêu khắc, hoặc đường lát gạch theo mô-típ tuyến tính.
Khi di chuyển qua cảnh quan, người dùng sẽ có những góc nhìn khác nhau về công trình. Lối đi, khoảng xanh, mặt nước hay ánh sáng tự nhiên có thể dẫn dắt cảm xúc, tạo điểm nhấn và tăng cường sự kết nối giữa con người với không gian.
Cảnh quan không chỉ bổ sung giá trị thẩm mỹ mà còn mang lại lợi ích sinh thái, cải thiện vi khí hậu và tạo không gian thư giãn. Những khu vườn nhỏ, khoảng xanh hay mặt nước không chỉ làm dịu không gian mà còn gợi lên những cảm xúc, ký ức và sự kết nối với thiên nhiên.
2. Kể chuyện qua phong cảnh: Đối thoại về văn hóa và môi trường
Thiết kế cảnh quan là một công cụ kể chuyện mang tính ứng dụng cao, giúp kiến trúc sư và nhà thiết kế truyền tải lịch sử, văn hóa và sinh thái qua không gian. Bằng cách lựa chọn cây trồng, vật liệu và bố cục hợp lý, cảnh quan có thể kết nối công trình với bối cảnh địa phương.
Ví dụ, Sử dụng thực vật bản địa không chỉ hỗ trợ đa dạng sinh học mà còn neo giữ công trình trong văn hóa và địa lý của nó. Vườn trà Nhật Bản minh họa rõ nét cách cảnh quan dẫn dắt trải nghiệm thông qua đường đi, hồ nước và cây cối, tạo nên không gian tĩnh lặng, hài hòa.
Mỗi yếu tố, từ lối đi đến cách rải đá đều có chủ đích, mang ý nghĩa biểu tượng, làm phong phú thêm câu chuyện kiến trúc và giúp du khách cảm nhận sâu sắc hơn về địa điểm.
Kể chuyện qua phong cảnh không chỉ giúp công trình trở nên sống động hơn mà còn tạo nên sự kết nối sâu sắc giữa kiến trúc, con người và thiên nhiên.
Một cảnh quan được thiết kế khéo léo không chỉ làm đẹp cho không gian mà còn lưu giữ và truyền tải những câu chuyện văn hóa, môi trường của chính nó.
3. Tạo nên sự hài hòa về mặt thị giác: Sự kết nối giữa cảnh quan và kiến trúc
Mối quan hệ giữa một tòa nhà và cảnh quan là cuộc đối thoại trực quan, giúp công trình hòa nhập với bối cảnh xung quanh. Vì vậy, thiết kế cảnh quan sẽ giúp định hình không gian, tạo cảm giác về một nơi chốn hài hòa có chủ đích.
Một tòa nhà hiện đại với đường nét sắc sảo có thể trở nên hài hòa hơn khi kết hợp với cây xanh mềm mại. Ngược lại, một công trình tối giản sẽ càng nổi bật nếu cảnh quan xung quanh có thiết kế gọn gàng, đồng điệu với phong cách của nó.
The Vals Thermal Spa của Peter Zumthor là một ví dụ tuyệt vời về sự hài hòa giữa kiến trúc và cảnh quan. Nằm giữa dãy Alps của Thụy Sĩ, spa này như được “chạm khắc” vào sườn núi, giúp công trình hòa nhập hoàn hảo với thiên nhiên.
Zumthor đã sử dụng đá thạch anh Valser khai thác tại địa phương, giúp spa không chỉ phản ánh địa hình gồ ghề xung quanh mà còn gắn kết chặt chẽ với bản sắc địa chất của khu vực. Thiết kế tuyến tính và phần lớn nằm dưới lòng đất giúp tòa nhà không bị lấn át, thay vào đó hòa quyện vào môi trường xung quanh.
Cảnh quan càng làm nổi bật sự kết nối này với các hồ bơi phản chiếu ánh sáng mặt trời với không gian mở, giúp du khách tận hưởng trọn vẹn khung cảnh núi non hùng vĩ.
Sự kết hợp tinh tế giữa kiến trúc và thiên nhiên tạo ra một không gian yên bình – nơi con người cảm nhận được sự cân bằng giữa thiết kế nhân tạo và vẻ đẹp vĩnh cửu của tự nhiên.
4. Yếu tố trải nghiệm: Cảnh quan định hình tương tác của con người như thế nào?
Thiết kế cảnh quan có ảnh hưởng sâu sắc đến cách con người trải nghiệm và tương tác với kiến trúc. Nó đóng vai trò như một không gian chuyển tiếp, dẫn dắt mọi người từ khu vực công cộng đến không gian riêng tư của một tòa nhà.
Chẳng hạn, lối đi có thể nhẹ nhàng hướng du khách qua các môi trường khác nhau, chuẩn bị tâm thế cho trải nghiệm sắp tới. Dù đó là một khu vườn yên tĩnh dẫn đến trung tâm thiền định hay một quảng trường rộng mở trước lối vào bảo tàng.
Không chỉ định hình lối di chuyển, cảnh quan còn khơi gợi cảm xúc. Một sân vườn hoặc không gian ngoài trời được thiết kế tinh tế có thể kích thích sự tò mò, tạo cảm giác thư thái.
Những lối đi, cây trồng, chỗ ngồi và các yếu tố tương tác giúp du khách có những khoảnh khắc dừng lại, quan sát và cảm nhận kiến trúc theo nhiều góc độ khác nhau.
Ngoài ra, biết cách sắp xếp hành trình đi qua từng cảnh quan một cách có chủ đích, thiết kế không chỉ làm đẹp không gian mà còn biến một tòa nhà thành một trải nghiệm sống động, thay vì chỉ là một cấu trúc dạng tĩnh.
5. Cảnh quan được thiết kế hài hòa với kiến trúc và chất liệu của công trình
Thiết kế cảnh quan không chỉ làm đẹp công trình mà còn giúp kiến trúc hòa hợp với môi trường bằng cách bổ sung các yếu tố phù hợp. Mỗi loại công trình cần một giải pháp cảnh quan riêng.
Ví dụ, một tòa nhà chọc trời có thể mang lại cảm giác lạnh lẽo và xa cách, nhưng nếu có thêm vườn cây hoặc quảng trường rợp bóng mát ở chân tòa nhà, không gian sẽ trở nên thân thiện và thu hút hơn.
Tương tự, các vật liệu như đá, kính và bê tông có thể trở nên mềm mại hơn nhờ cây xanh, tạo sự cân bằng tự nhiên, giúp không gian trở nên gần gũi và dễ chịu hơn.
Các yếu tố như thác nước, hồ cảnh quan, tường cây xanh và cây trồng có kết cấu đặc biệt có thể làm nổi bật những đường nét kiến trúc quan trọng. Chúng không chỉ tăng tính thẩm mỹ mà còn giúp định hình không gian, tạo sự cân bằng và thu hút sự chú ý vào những khu vực cụ thể.
Chẳng hạn, một bức tường nước có thể nhấn mạnh khu vực lối vào, tạo điểm nhấn ấn tượng, trong khi một tường vườn xanh mát có thể làm dịu bớt sự cứng nhắc của các bề mặt bê tông hoặc kính.
Ngoài ra, cây trồng với hình dáng và kết cấu độc đáo có thể dẫn hướng tầm nhìn, làm nổi bật các chi tiết thiết kế như cột trụ, đường viền hoặc cửa sổ lớn, góp phần nâng cao giá trị thẩm mỹ của công trình kiến trúc.
6. Định hình kiến trúc như một tác phẩm nghệ thuật thông qua thiết kế cảnh quan
Cũng giống như một khung tranh làm nổi bật tác phẩm nghệ thuật, cảnh quan được thiết kế tinh tế sẽ nâng tầm kiến trúc, đặt tòa nhà vào một bối cảnh hài hòa và có chủ đích. Thiết kế cảnh quan có thể điều hướng tầm nhìn, giúp người xem tập trung vào những đặc điểm kiến trúc nổi bật hoặc góc nhìn ấn tượng.
Chẳng hạn, một con đường uốn lượn hoặc hàng cây được bố trí khéo léo có thể tạo cảm giác “bí mật”, dẫn dắt du khách đến lối vào hoặc làm nổi bật một góc nhìn đẹp của công trình. Nhờ đó, cảnh quan không chỉ bổ sung mà còn tôn vinh kiến trúc, khiến nó được nhìn nhận như một tác phẩm nghệ thuật.
Trong lĩnh vực bảo tồn lịch sử, cảnh quan đóng vai trò quan trọng trong việc làm nổi bật giá trị di sản kiến trúc.
Tại Monticello, dinh thự của Thomas Jefferson, cảnh quan được thiết kế để phản ánh bản sắc nông nghiệp của thời kỳ đó, với vườn cây ăn quả, khu vườn và cánh đồng bao quanh ngôi nhà. Tất cả tạo nên một bối cảnh lịch sử chân thực.
Việc khôi phục và bảo tồn cảnh quan không chỉ giúp tôn vinh giá trị kiến trúc mà còn tái hiện bầu không khí của quá khứ, tạo nên một tổng thể hài hòa.
7. Cảnh quan như một phần không thể thiếu của kiến trúc
Trong bối cảnh kiến trúc hiện đại ngày càng hướng đến sự bền vững, văn hóa và trải nghiệm người dùng, kiến trúc cảnh quan đóng vai trò quan trọng. Nó là cầu nối giữa môi trường xây dựng và thiên nhiên, không chỉ nâng cao giá trị thẩm mỹ mà còn góp phần cải thiện tính bền vững, công năng và cảm xúc của công trình.
Ví dụ:
- Về thị giác: Cây xanh, mặt nước và vật liệu tự nhiên giúp làm dịu cảm giác khô cứng của bê tông, kính và kim loại, tạo nên sự hài hòa giữa công trình và thiên nhiên.
- Về công năng: Cảnh quan có thể tạo bóng mát, cải thiện vi khí hậu, giảm nhiệt độ đô thị và tăng cường chất lượng không khí.
- Về trải nghiệm: Những không gian xanh như công viên, vườn cây, lối đi có cảnh quan đẹp mắt giúp con người thư giãn, nâng cao chất lượng sống và cảm nhận được sự gắn kết với môi trường.
Đối với các kiến trúc sư và nhà thiết kế mong muốn tạo ra những không gian truyền cảm hứng và có giá trị lâu dài, thiết kế cảnh quan chính là một công cụ mạnh mẽ, giúp kiến trúc trở nên gần gũi và đầy sức sống.
Thiết kế cảnh quan có thể giúp nâng tầm kiến trúc, là một nghệ thuật hỗ trợ hoàn thiện không gian, làm cho tòa nhà trở nên sống động và cuốn hút hơn. Một công trình kiến trúc sẽ trở nên trọn vẹn khi được bao bọc bởi cảnh quan phù hợp, giúp con người không chỉ chiêm ngưỡng mà còn cảm nhận được hơi thở của thiên nhiên trong từng góc nhìn.
Kết hợp yếu tố thẩm mỹ, công năng và tính bền vững, cảnh quan sẽ nâng cao giá trị kiến trúc. Đồng thời tạo nên những không gian sống động, gắn kết con người với thiên nhiên và di sản văn hóa.
Trong tương lai, sự phát triển của kiến trúc sẽ không thể tách rời khỏi thiết kế cảnh quan. Bởi chính nó là cầu nối giúp con người tận hưởng không gian một cách trọn vẹn và ý nghĩa.
Để không bỏ lỡ những kiến thức và xu hướng mới nhất trong Diễn họa Kiến trúc, hãy theo dõi thư viện của 4pixos Academy. 4pixos luôn chia sẻ những tài liệu, bí quyết và cập nhật các thông tin xoay quanh lĩnh vực Ddiễn họa Kkiến trúc, giúp bạn nâng cao kỹ năng và tạo ra những tác phẩm xuất sắc.
Nếu bạn quan tâm đến các kiến thức về Vật liệu – Ánh sáng – Bố cục, kỹ năng để mô phỏng thế giới thực một cách chân thực và sống động, cũng như cải thiện tư duy thẩm mỹ, hãy tham khảo Khóa học Rendering của 4pixos Academy nhé!
Nguồn: architizer.com
Xem thêm
> Vai trò của Model 3D Trong Kiến trúc Cảnh Quan: Thiết Kế Không Gian Xanh Và Không Gian Công Cộng
> Ứng Dụng Lý Thuyết Ánh Sáng Trong Diễn Họa Kiến Trúc – Nội Thất
> Framing: Kỹ Thuật Tạo Chiều Sâu Cho Hình Ảnh
> Khám Phá Các Góc Chụp Để Tạo Nên Bức Ảnh Ấn Tượng (Phần 2)
> Cách Show Camera Angles Trong Brief Dự Án Diễn Họa Kiến Trúc