Đây không phải là một bài viết mang tính học thuật, mà là những chia sẻ dựa trên quan điểm cá nhân, kinh nghiệm làm việc và giảng dạy suốt 10 năm của nhà sáng lập 4pixos Academy – anh Dexter Nguyễn
Bài viết dành cho các bạn đang bắt đầu theo đuổi con đường diễn họa chuyên nghiệp hoặc các bạn archviz artist gặp khó khăn trong việc tiến bộ hơn, cảm thấy công việc mãi vẫn chưa có sự đột phá, hoặc không biết phải làm thế nào để tác phẩm của mình đẹp hơn, xuất sắc hơn.
Đầu tiên, trước khi hỏi làm thế nào để vẽ đẹp hơn, câu hỏi cần đặt ra là như thế nào là đẹp?
Chúng ta phải biết đích đến là gì thì mới tìm ra được con đường. Câu hỏi này sẽ hướng sự tập trung của bạn vào việc rèn luyện cảm nhận, sự quan sát, phân tích. Khi bạn biết được như thế nào là đẹp, nhìn lại bức hình render của mình, bạn sẽ nhận ra được những điểm còn hạn chế trong đó và biết cách để khiến nó đẹp hơn.
Trước khi bắt đầu diễn họa bất cứ một view nào, tôi đều có một sự nghiên cứu nhất định, và hình dung một cách rõ ràng trong đầu rằng mình muốn view này khi kết thúc sẽ trông như thế nào: khổ ảnh, bố cục, trọng tâm, ánh sáng, màu sắc,… tất cả đều được phác thảo một cách cụ thể trong đầu hoặc trên giấy trước khi bắt tay thực hiện.
Khi đã biết chắc chắn mình muốn gì thì công việc còn lại sẽ trở nên đơn giản hơn rất nhiều. Mọi thao tác, công cụ sẽ được kết hợp một cách hiệu quả, chuẩn xác, không thừa không thiếu để hướng tới mục tiêu cuối cùng.
Vấn đề của rất nhiều bạn trẻ hiện nay khi mới bắt đầu là nắm trong tay rất nhiều công cụ, nhưng cái quan trọng nhất là rèn luyện về tư duy thẩm mỹ thì lại thiếu hụt. Khi không thể hình dung được như thế nào là đẹp, làm gì để tác phẩm đẹp hơn thì cũng giống như mù đường. Kể cả bạn có đi ô tô mà không biết phải đi về đâu thì bạn cũng đến nơi chậm hơn người đi bộ, hoặc thậm chí không đến được nơi cần đến.
Một bản sketch ý tưởng trước khi thực hiện bằng phần mềm 3D.
Có nhiều cách để rèn luyện óc quan sát và con mắt thẩm mỹ, cá nhân tôi recommend hội họa, chụp ảnh và du lịch.
Hội họa
Rất nhiều nghệ sĩ lớn trong lĩnh vực này đều có nền tảng mỹ thuật truyền thống (hội họa, điêu khắc) trước khi chuyển qua CG, hoặc có những người là nhiếp ảnh gia nghiệp dư. Bạn có biết bức tranh vẽ Rose trong phim Titanic được vẽ bởi chính đạo diễn James Cameron. Hay Alex Roman, tác giả của short film “The Third and The Seventh” huyền thoại trong giới Archviz, đã nghiên cứu và làm về mỹ thuật rất lâu trước khi chuyển sang đồ họa.
Một cảnh trong phim ngắn “The Third and The Seventh” của Alex Roman.
Cho những bạn chưa biết thì cái tên” The 3rd and The 7th” bắt nguồn từ việc có 7 bộ môn nghệ thuật được công nhận trong thế giới hiện đại. Trong đó bộ môn thứ 3 là kiến trúc và bộ môn thứ 7 là điện ảnh.
Xét cho cùng, hội họa, nhiếp ảnh, điện ảnh hay CG đều là những bộ môn nghệ thuật về hình ảnh. Những lĩnh vực này đều có những nguyên tắc chung về bố cục, màu sắc, ánh sáng vậy nên, rèn luyện tư duy thẩm mỹ trong lĩnh vực này sẽ thúc đẩy lĩnh vực khác.
Có rất nhiều điểm giống nhau giữa mỹ thuật truyền thống và CG. Khi vẽ một bức tranh, bạn cũng phải hình dung trong đầu cách bạn sẽ xử lý màu sắc, ánh sáng và chủ thể như thế nào, giống hệt như khi bạn vẽ một khung cảnh nội thất hay ngoại thất, chỉ trừ việc không có nút undo trong đời thực nên mỹ thuật truyền thống sẽ có phần khó hơn.
Bức tranh đầu tiên tôi vẽ bằng wacom vào năm 2009
Việc vẽ tranh giúp rèn luyện rất nhiều về khả năng quan sát. Bạn sẽ học được cách cảm nhận và kiểm soát tổng thể cũng như rèn luyện sự tinh tế khi thể hiện từng chi tiết nhỏ.
Chụp ảnh
Chụp ảnh nghe có vẻ dễ dàng hơn đôi chút vì mọi thứ đã có sẵn hết rồi nhưng thực chất bạn sẽ phải quan sát, tìm tòi những bố cục đẹp, góc chụp độc đáo, kiên nhẫn chờ đợi những khoảnh khắc thú vị hay dậy sớm hơn để có ánh sáng đẹp. Tất cả những điều này trải qua một thời gian sẽ rèn luyện cho bạn khả năng quan sát và cảm nhận sắc sảo, tư duy thẩm mỹ nhạy bén hơn.
Khi gặp một trường hợp tương tự trong render, bạn sẽ biết ánh sáng nào là thích hợp nhất, từ hướng nào sẽ nổi bật chủ thể nhất, màu sắc của ánh sáng như vậy đã giống với thực tế chưa. Hay đơn giản là bạn sẽ không còn băn khoăn về các thông số F-number, ISO, hay shutter speed trong camera để làm gì, bạn cũng sẽ có ý thức hơn trong việc chọn tiêu cự của camera, vì bây giờ bạn đã hiểu mỗi ống kính khác nhau, wide angle, standard hay tele tạo ra hiệu ứng khác nhau như thế nào và nên được sử dụng trong những shot khác nhau ra sao. Và tất cả những điều này được dựa trên trải nghiệm sinh động thực tế của chính bạn, chứ không phải học một cách lý thuyết máy móc.
Khi đến Venice, ống kính mà tôi ưa thích khi chụp ảnh là Sony SEL 55-210mm. Tiêu cự tele thực sự thú vị khi mang lại hiệu quả thị giác khác biệt.
Đi du lịch
Vậy còn du lịch thì sao? Hầu như ai cũng thích đi du lịch, đi để khám phá, trải nghiệm, đi trốn,… Đối với những người làm trong lĩnh vực hình ảnh như chúng ta thì lại càng cần thiết hơn. Hãy đến những nơi có những công trình kiến trúc đẹp và khung cảnh thiên nhiên đẹp. Thứ nhất, điều này sẽ tạo cảm hứng sáng tác hơn cho chúng ta. Thứ hai, đây là cơ hội tuyệt vời để quan sát mọi thứ trong thực tế như thế nào. Tất cả những hình ảnh đẹp mà bạn nhìn thấy trong chuyến đi sau này sẽ trở thành một thư viện tham khảo trong tâm trí bạn, để khi cần có thể lấy ra sử dụng trong công việc. Càng đi nhiều, càng tiếp xúc nhiều với cái đẹp thì thư viện này càng phong phú và chất lượng hơn.
Tôi may mắn đã có những chuyến đi rất thuận lợi, được cảm nhận vẻ đẹp của nhiều nền văn hóa và kiến trúc khác nhau, được ngắm nhìn những khung cảnh hay công trình vĩ đại của thế giới là những trải nghiệm khó quên. Do sự khác biệt về khí hậu và môi trường nên ở những nước này, không khí rất trong, trời xanh ngắt và ánh nắng cũng rất đẹp. Trước giờ tôi cứ thắc mắc sao các bạn phương Tây vẽ đẹp thế, hóa ra hàng ngày họ nhìn ngắm cảnh đẹp, ánh sáng đẹp quen rồi, họ chỉ vẽ lại đúng những gì họ thấy thôi.
Bức ảnh chụp ở Hallstatt, trên dãy núi Alps huyền thoại, thời tiết thay đổi liên tục trong ngày. Giữa trưa có nhiều sương mù, cảnh vật mờ ảo trong sương.
Khi chiều xuống thì có nắng trong veo
Còn hoàng hôn thì vô cùng rực rỡ
Sau tất cả, những điều này không điều nào có thể thực hiện một sớm một chiều. Tất cả đều phải bỏ thời gian, tiền bạc và công sức. Nhưng đi kèm với nó đều là những niềm vui rất đơn thuần mà bạn sẽ tìm thấy bên cạnh công việc và kiếm tiền. Đây cũng là con đường đúng đắn để có một nền tảng thẩm mỹ vững chắc, giúp bạn tiến xa hơn một cách chắc chắn trong lĩnh vực này.
Hãy nhớ rằng, công cụ ngày càng nhiều hơn, và sẽ đơn giản hơn nhưng công cụ nào rồi cũng sẽ lỗi thời chỉ có tư duy thẩm mỹ là vẫn tồn tại và là điều kiện tiên quyết để tạo nên một tác phẩm đẹp. Vì vậy trau dồi tư duy thẩm mỹ chính là cách đầu tư lâu dài cho con đường sự nghiệp của một Archviz artist.
Nguồn: Dexter Nguyễn