Trang trí nhà là một nghệ thuật, mỗi người đều có thể trở thành một nghệ nhân. Vì chỉ cần xác định rõ được phong cách thiết kế mong muốn, bạn sẽ có thể dễ dàng lên ý tưởng trang trí một căn phòng như ý theo sở thích của mình. Vậy làm thế nào để tìm ra phong cách phù hợp với mình? Hãy cùng 4pixos khám phá ngay 10 phong cách thiết kế nội thất thịnh hành mọi thời đại trong bài viết này nha.
1. Scandinavian
Phong cách Scandinavian hay còn gọi là phong cách Bắc Âu. Phong cách này thổi vào trong không gian nhà ở vẻ đẹp ấm áp, nhẹ nhàng, tinh tế. Scandinavian gây ấn tượng không chỉ bởi vẻ đẹp tối giản – thanh lịch – hiện đại, mà còn bởi sự phối hợp hài hoà của các màu sắc. Những đặc trưng nổi bật của phong cách Scandinavian thể hiện rõ nhất thông qua:
● Chất liệu (Material): Chất liệu tự nhiên như gỗ, đá, da, lông thú tạo một không gian gần gũi, ấm cúng
● Màu sắc (Color): Gam màu trung tính mang đến cảm giác dịu mắt, thư giãn như trắng, nâu, kem, be,…
● Đồ nội thất (Furniture): Sử dụng đồ nội thất với bề ngoài trau chuốt, được tạo nên từ những đường bo uốn cong, khung vành thanh nhỏ. Các vật dụng trang trí nội thất hiện đại, đơn giản, tiện ích giúp tối ưu diện tích như ghế của Fritz Hansen , đèn của Louis Poulsen và đồ vật trang trí từ Ferm Living hoặc Muuto
● Texture/ pattern: Hướng đến thiết kế đơn giản, tinh tế nên họa tiết trang trí hình hoa văn, caro được ưa chuộng, thường được xuất hiện ở thảm trải sàn, tranh treo tường…
● Các yếu tố khác: Ánh sáng tự nhiên là yếu tố không thể thiếu. Thường kết hợp các khung cửa sổ rộng lớn và những chiếc rèm cửa sáng màu để giúp tăng góc độ dàn trải của ánh sáng và mang lại không khí thoáng đãng cho căn phòng
Phong cách này còn dễ dàng kết hợp với các phong cách thiết kế nội thất khác. Vì thế, nếu bạn theo đuổi sự tối giản, tiện ích và hiện đại, phong cách Scandinavian chính là sự lựa chọn lý tưởng cho bạn
2. Japandi
Phong cách Japandi là sự pha trộn của hai phong cách, Nhật Bản trang nhã và Scandinavian hiện đại. Sự kết hợp tưởng chừng như không thể của hai nền văn hóa hoàn toàn khác biệt đã tạo nên nét đẹp vô cùng độc đáo.
Điểm hoà hợp của hai phong cách này chính là đều hướng tới sự đơn giản, và lấy cảm hứng từ thiên nhiên. Điều này thể hiện rõ nhất thông qua việc sử dụng các vật liệu như đá tự nhiên, giấy và gỗ. Sự khác biệt lớn giữa phong cách Japandi và phong cách Scandinavian thuần túy là:
● Chất liệu (Material): Sử dụng các chất liệu như đá tự nhiên, giấy và gỗ
● Màu sắc (Color): Sử dụng bảng màu tối hơn, phong phú hơn như đen,xanh đậm, cà tím, đất nung,…
● Đồ nội thất (Furniture): Những món trang trí đặc sắc mang đậm chất của xứ sở mặt trời mọc như đèn treo giấy xếp nếp, tủ ghế có mặt lưới đậm chất phương Đông, đồ gốm có thiết kế mộc, tranh màu tối đơn giản hay những bình hoa cầm với một nhánh cây đơn sơ. Các đồ nội thất màu sáng sẽ được mix match với các món đồ nội thất màu đen theo tỷ lệ 70-30, vừa tạo ra vẻ ngoài yên bình mà cũng thật bí ẩn.
● Texture/ pattern: Không sử dụng nhiều chi tiết trang trí, thay vào đó là những đường nét cơ hữu không quá thanh mảnh làm gợi lên sự bình dị và phóng khoáng. Phong cách này sẽ hạn chế những nét vuốt không chút khuyết điểm, thay vào đó là những đường cong, lồi lõm, hay đường nét hình học tinh tế tạo cảm giác chân thực hơn
● Các yếu tố khác: Chú trọng hơi thở của tự nhiên, nên khi áp dụng phong cách này bạn nên tiết chế số lượng vật trang trí, đồ đạc không nên xếp chồng lên nhau dày đặc, nên ưu tiên những nội thất chất liệu mỏng, những vật có bề mặt thô với các quãng hở xuyên thấu giúp ánh nắng tự nhiên có thể dễ dàng len lỏi vào từng góc trong nhà.
3. Boho
Những ai thích chất du mục phóng khoáng, sự năng động, thích thể hiện cá tính riêng thì phong cách Boho chính là những gì bạn đang tìm kiếm. Boho lấy cảm hứng từ phong cách sống độc đáo của người Romania đến từ Bohemia – tự do, phóng khoáng.
Nét đặc trưng của phong cách này chính là “không có quy tắc”, là sự pha trộn giữa nhiều nền văn hóa khác nhau, được thể hiện rõ ở việc sử dụng chất liệu, vật liệu, màu sắc:
● Chất liệu (Material): Chất liệu tự nhiên chưa qua xử lý như gỗ và mây, và các loại vải như bông, mohair, vải lanh,…
● Màu sắc (Color): Màu sắc kết hợp từ nhiều gam màu khác nhau, tùy theo sở thích của mỗi người
● Đồ nội thất (Furniture): Nội thất trang trí như Batik, macramé, các đồ thủ công mỹ nghệ đơn giản, võng, đồ treo tường hoặc giỏ treo,…
● Texture/ pattern: Họa tiết trang trí với các điểm nhấn màu vàng hoặc xanh lam sáng, các hoa văn đậm, tua rua hoang dã hoặc hình thêu rực rỡ là những điều không thể thiếu trong phong cách Boho
● Các yếu tố khác: Những loại cây, hoa hoang dã, có vẻ ngoài xù xì, thô mộc đều trở thành yếu tố giúp kết nối không gian với thiên nhiên một cách gần gũi nhất
4. Mediterranean
Bạn yêu thích sự thanh bình, mộc mạc và muốn mang cảm giác bên bờ biển vào ngôi nhà của mình thì đừng bỏ lỡ phong cách Mediterranean – Phong cách Địa Trung Hải. Bằng sự kết hợp của màu sáng, tông màu đất, màu xanh lá của rừng, màu vàng của lúa mát… và các điểm nhấn ấm áp tạo nên một nét đẹp cổ điển mộc mạc, bình yên của vùng Địa Trung Hải đầy nắng và gió. Đặc trưng của phong cách thiết kế nội thất Mediterranean thể hiện qua
● Chất liệu (Material): Chất liệu từ đất sét, raffia và vải lanh, gỗ ô liu hoặc gỗ thông địa phương.
● Màu sắc (Color): màu sắc mang đậm hương vị biển cả: màu xanh dương, đất nung, vàng,…
● Đồ nội thất (Furniture): Vật trang trí tự nhiên mang nét đặc trưng thời phục hưng: đá cẩm thạch, gốm, sứ, tre, nứa và những loại cây xanh, hoa cỏ vùng Địa Trung Hải
● Texture/ pattern: Sàn và tường đặc biệt phù hợp với gạch khảm đầy màu sắc hoặc gạch đất sét zellige thủ công
● Các yếu tố khác: Ưu tiên không gian mở, ánh sáng thiên nhiên
5. Country House
Phong cách Country House (Đồng quê) có nguồn gốc từ Anh Quốc, lấy cảm hứng từ những làng quê yên bình. Nét đẹp cổ điển của phong cách này sẽ khiến ngôi nhà của bạn trở nên lãng mạn, đầy cuốn hút thông qua:
● Chất liệu (Material): Chất liệu đặc trưng làm từ gỗ hoặc gạch
● Màu sắc (Color): Màu sắc là những màu sáng và dịu nhẹ với không gian như trắng, be hoặc những màu pastel không quá nổi bật
● Đồ nội thất (Furniture): Đồ nội thất trang trí mang hơi hướng cổ điển hoặc là những đồ gia truyền quý giá như khung tranh, khăn trải bàn và bình hoa, một bộ ấm trà với họa tiết hoa, hoặc ghế sofa Chesterfield. Bắt nguồn từ việc những căn nhà của các nước Pháp, Anh hay Đông Âu thường có khí hậu lạnh nên chắc chắn phải có lò sưởi trong phong cách Country
● Texture/ pattern: thường sử dụng hoa tươi để trang trí. Họa tiết hoa thường sẽ có ở giấy dán tường, vỏ gối hay thảm trải sàn,..
● Các yếu tố khác: Có nhiều cửa sổ để ánh sáng luôn tràn ngập ngôi nhà cho bạn được gần gũi với thiên nhiên hơn.
Nếu bạn đang sống ở thành thị nhiều khói bụi thì Country House sẽ mang lại cho bạn không khí trong lành và một không gian yên bình để bạn thư giãn mỗi khi trở về tổ ấm của mình.
6. Midcentury
Tuy không được phổ biến và nhắc đến nhiều như Scandinavian hay Minimalism, nhưng phong cách Midcentury vẫn có chỗ đứng riêng biệt của mình nhờ vào vẻ đẹp cổ điển sang trọng thập niên 60. Điều tạo nên đặc trưng của Midcentury chính là:
● Chất liệu (Material): Chất liệu tự nhiên chất lượng cao như gỗ và da kết hợp với đế kim loại tinh tế, các loại vải có kết cấu, sang trọng như nhung, vải to sợi và bouclé có màu xanh lá cây, xanh nước biển đậm và tím
● Màu sắc (Color): Bảng phối màu của Midcentury rất đa dạng, ngẫu hứng và không bị giới hạn nhưng rất thẩm mỹ, đẹp mắt.
● Đồ nội thất (Furniture): Đồ nội thất mang tính biểu tượng của thời đại như ghế salon Eames hay Le Corbusier,…
● Texture/ pattern: Các điểm nhấn bằng đồng hoặc crôm sáng bóng sẽ làm nổi bật phong cách quyến rũ và ấm cúng
● Các yếu tố khác: ngập tràn ánh sáng tự nhiên, kiến tạo không gian mở, hạn chế vách ngăn giữa các khu vực đồng thời bố trí những khung cửa sổ lớn full trần để tăng tính liên kết giữa không gian trong và ngoài nhà.
7. Maverick
Phong cách Maverick dành cho những ai yêu thích sự phá cách đầy sáng tạo. Phong cách này chú trọng vào những thiết kế có xu hướng phá vỡ mọi nguyên tắc truyền thống. Với phong cách thiết kế phòng thành từng không gian khác biệt có màu sắc lẫn lộn, khi kết hợp lại sẽ tạo nên một căn phòng độc đáo và nổi bật. Vậy những yếu tố nào đã tạo nên sự khác biệt và nổi loạn của phong cách Maverick:
● Chất liệu (Material): Với sự sáng tạo không giới hạn của phong cách này bạn có thể tuỳ chọn chất liệu mà bạn muốn để thỏa sức thể hiện chất riêng của mình
● Màu sắc (Color): Kết hợp các tông màu không giới hạn tùy theo ý thích của mình để đi đến những tông màu mới lạ. Ví dụ: sự pha trộn giữa màu trầm như đen, trắng cùng với gam màu nóng, lạnh tùy ý như xanh dương, đỏ, vàng, …
● Đồ nội thất (Furniture): Sử dụng đồ vật vô cùng lạ lùng và độc đáo. Những mẫu bàn trà kỳ quặc, những mẫu kiểu ghế sofa, ghế ăn khá lạ mắt, đôi khi khó hiểu, có khi không theo tiêu chí nào lại được xem là những mẫu bàn bắt mắt.
● Texture/ pattern: Các đường nét cấu trúc có thể được chồng chéo với nhau một cách ngẫu nhiên, ấn tượng
● Các yếu tố khác: Cách lựa chọn và bố trí nội thất thường đặt xa nhau nhằm đề cao sự bình đẳng, mỗi đồ nội thất là chủ thể chính.
Mỗi một không gian sống theo phong cách Maverick đều mang đậm dấu ấn cá nhân.
8. Rustic
Đơn giản nhưng không sơ sài, mộc mạc nhưng không kém phần tinh tế chính là những nét đặc trưng của phong cách Rustic. Phong cách này mang hơi thở nhẹ nhàng, trầm lặng nhưng vẫn toát lên vẻ đẹp hiện đại. Thế nhưng phong cách này lại được gọi là phong cách mộc mạc thông qua việc sử dụng:
● Chất liệu (Material): Chất liệu từ tự nhiên như gỗ thô, đá granite, đá cuội, vải thô hoặc thảm bằng gai, đay, linen với hoạt tiết đơn giản, mang vẻ đẹp gần gũi, tạo cảm giác thư thái cho tâm hồn
● Màu sắc (Color): Màu sắc nguyên bản không pha tạp, không hòa trộn để đem lại hiệu ứng mạnh cho thị giác hoặc màu sắc nhẹ nhàng của tự nhiên, không rực rỡ, không chói lòa như màu nâu của gỗ, vàng của đất, xanh của cây, lam của trời, xám của đá,…
● Đồ nội thất (Furniture): Nội thất đơn giản hiện đại, không có hoa văn trang trí rườm rà. Những khung cửa sổ lớn, bếp, lò sưởi là những đồ trang trí không thể thiếu trong phong cách này
● Texture/ pattern: thường sẽ không sử dụng hoa văn hoặc có hoa ăn đơn giản để không làm rối mắt người xem
● Các yếu tố khác: Cửa sổ lớn là điểm đặc trưng trong phong cách này. Các khung cửa sổ theo phong cách Rustic đều có kích thước lớn và được thiết kế kịch sàn/ trần, mở rộng tầm view để tận hưởng tối đa nguồn ánh sáng tự nhiên và gió trời ngay trong không gian sống
9. Minimalism
Ngoài phong cách Scandinavian, Minimalism cũng được xem là phong cách được nhắc đến nhiều nhất hiện nay, bởi sự tối giản rất phù hợp cho những nơi “đất chật người đông”. Có thể nói, điển hình của phong cách này là một không gian gọn gàng, tinh tế, càng ít đồ và chi tiết càng tốt:
● Chất liệu (Material): Thiết kế tinh tế với các chi tiết sử dụng chất liệu bằng thép không gỉ hoặc crom.
● Màu sắc (Color): Màu sắc tối giản, chỉ sử dụng tối đa 4 màu, tốt nhất là 3 màu gồm màu nền, màu chủ đạo và màu điểm nhấn.
● Đồ nội thất (Furniture): Các vật dụng luôn được lựa chọn đơn giản nhất với công năng ưu việt nhất tạo khoảng trống cho không gian, mang đến cảm giác thoải mái dù diện tích có chật hẹp.
● Texture/ pattern: Sử dụng tường không có hoa văn của giấy dán tường và đã được bả phẳng. Sử dụng sơn nước là một sự lựa chọn tốt vì nó ít bóng
● Các yếu tố khác: Thường dùng ánh sáng tự nhiên được lọc qua các bình phong lá chắn, rèm cửa hay các tán cây để tạo ra hiệu ứng màu sắc, ngoài ra còn giúp tạo ra điểm nhấn trong hình dạng và cấu trúc của các thành phần trang trí.
10. Art Deco
Art Deco là một trường phái nghệ thuật mang tính chiết trung, luôn được thực hiện theo một chủ đề sáng tạo nghệ thuật nhất định, hướng đến những tuyến hình đơn giản, những khối hình học kinh điển trong không gian, lấy cảm hứng từ chủ nghĩa lập thể, tạo nên phong cách mạnh mẽ, cá tính. Những đặc trưng của phong cách này:
● Chất liệu (Material): Chất liệu không thể nào bỏ qua trong phong cách này như thép không gỉ, thủy tinh, hay da thú,…. Những chất liệu cực đắt tiền như đá cẩm thạch, gỗ quý,.. được sử dụng như làm tăng thêm vẻ đẹp sa hoa, lộng lẫy cho căn nhà
● Màu sắc (Color): Màu sắc thiên về những màu đậm và có tính tương phản cao như màu vàng (vàng sáng hay retro), màu đỏ, xanh lá cây, xanh da trời, hồng pha bạc, đen và các màu ánh kim khác. Ngoài ra, các màu sắc tương phản với độ bóng của gỗ và nội thất sơn mài cũng thường được sử dụng trong phong cách này
● Đồ nội thất (Furniture): Những đồ nội thất sử dụng cho phong cách này thường mang kiểu dáng đơn giản, không kiểu cách nhưng mạnh mẽ và đầy quyến rũ.
● Texture/ pattern: Một phông nền cơ bản của phong cách Art Deco gồm:
– Hình ảnh nghệ thuật hoặc hình mô phỏng động vật được cách điệu như cành hoa lá kết hợp với da thú
– Họa tiết quân đội và họa tiết ziczac đẹp mắt tạo hiệu ứng đa chiều
– Góc nhọn trong hình học, hay hình ảnh của những tòa cao ốc cách điệu
– Các hình tứ giác góc cạnh.
● Các yếu tố khác: Không gian đậm chất hình học chính là yếu tố không thể thiếu của phong cách Art Deco. Với phong cách này, ánh sáng thường sẽ xuất phát từ các loại đèn trong nhà như đèn tường, đèn trần, đèn bàn, đèn sàn.