Chắc hẳn ai trong số các bạn cũng từng bị thu hút bởi những hiệu ứng, kỹ xảo hoành tráng khi xem một bộ phim. Nhưng để một bộ phim hay có nhất thiết phải là một bộ phim có nhiều hiệu ứng, kỹ xảo trong đó?
Câu trả lời chắc chắn là không vì trong lịch sử điện ảnh, có rất nhiều bộ phim kinh điển được tạo ra nhờ vào cách kể chuyện, thiết lập nhân vật, cũng như các góc quay tài tình của đạo diễn mà không phụ thuộc quá nhiều đến các hiệu ứng phức tạp.
Tương tự như vậy, trong lĩnh vực làm phim kiến trúc, để tạo nên một bộ phim hay, trước tiên các bạn nên chú ý các yếu tố như sau:
Purpose of the film (Mục tiêu/ Thông điệp muốn truyền đạt):
Khi bắt tay vào thực hiện, điều đầu tiên các bạn sẽ cần xác định chính là mục tiêu, hay cụ thể hơn là kết quả cuối cùng sau khi phim hoàn thành là gì để từ đó xác định các bước tiếp theo.
Nếu đây là phim được đặt hàng, thường mục tiêu sẽ chính là đề bài mà khách hàng đưa ra cho bạn. Đó có thể là giới thiệu về công trình, các công năng, cảm giác khi khách hàng sở hữu không gian đó.
Còn nếu là dự án cá nhân, không mang tính chất thương mại thì mục tiêu có thể sẽ là đem lại cảm giác ấn tượng cho người xem, ứng dụng các góc nhìn điện ảnh hoặc là thử nghiệm những kỹ thuật mới về animation.
Storyboard (Kịch bản):
Đây cũng là một yếu tố quan trọng không kém vì khi làm film, trước tiên các bạn sẽ cần có một cái nhìn tổng quan và tránh sa đà vào chi tiết. Storyboard sẽ giúp bạn tiết kiệm thời gian hơn trong việc hình dung được toàn bộ mạch phim, mỗi góc cam sẽ thể hiện điều gì, những đối tượng cần có trong từng khung hình, thời gian, tốc độ…, từ đó giúp các bạn dễ dàng hơn trong việc kiểm soát bộ phim và khối lượng công việc của mình.
Lighting (Ánh sáng)
Mỗi ánh sáng, mỗi màu sắc đều có vai trò quan trọng, giúp thể hiện cảm xúc, không gian và truyền tải thông điệp cho tác phẩm. Một tone màu ấm áp, vui vẻ có thể giúp người xem dự đoán và cảm nhận được sự hạnh phúc, tươi sáng mà đoạn phim muốn truyền tải; trong khi ánh sáng mờ và tối có thể đem lại bầu không khí u ám, ma mị. Không chỉ vậy, kết hợp cùng với bố cục khung hình (composition), ánh sáng có thể bạn hướng sự chú ý và tập trung của người xem vào chủ thể trong khung cảnh. Do đó, khi thực hiện dự án, đặc biệt là với các dự án film animation, lúc nào tụi mình cũng sẽ đề xuất trước với khách hàng về góc cam, ánh sáng trước khi vào làm chi tiết để tất cả thống nhất với nhau về thông điệp, nội dung mà bộ phim truyền tải.
Camera movement & Transition
Mặc dù cách thực hiện sẽ khá đơn giản, nhưng điều quan trọng nhất đó là mình sẽ cần dùng đúng loại camera movement cho từng khung cảnh, từ đó kể nên một câu chuyện hoàn chỉnh, cũng như tạo không gian và chiều sâu cho bộ phim. Bên cạnh đó thì việc dùng đúng transition cũng sẽ giữ vai trò quan trọng trong việc liên kết các cảnh và đảm bảo sự mượt mà, nhất quán giữa chúng. Và khi có thể kết hợp camera movement và kỹ thuật transition một cách sáng tạo, các bạn sẽ có thể tạo ra trải nghiệm độc đáo và đáng nhớ cho khán giả.
Âm nhạc
Ai trong các bạn chắc hẳn cũng sẽ đồng ý là sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến cảm xúc của người xem. Do đó, mình sẽ cần chọn nhạc phù hợp với tone mood chung mà mình muốn thể hiện và tốc độ của camera cúng nên khớp với nhịp nhạc, lúc đó thì trải nghiệm của người xem cũng sẽ tốt hơn rất nhiều. Thường câu hỏi đặt ra sẽ là “Nên chọn nhạc trước hay sau?”. Theo kinh nghiệm của mình thì các bạn có thể chọn nhạc ngay từ bước đầu tiên khi lên ý tưởng, hoặc khi đã có 1 bản render lowres. Việc đó không chỉ giúp vừa tạo cảm hứng, vừa hình dung về các hình ảnh cho bộ phim của mình, mà các bạn cũng sẽ có sẵn một giai điệu để mình biết nên setup tốc độ cam như thế nào, từ đó đưa ra các các điều chỉnh hoàn chỉnh cho bộ phim
Một số nguồn tìm nhạc:
- https://freemusicarchive.org/home
- https://studio.youtube.com/channel/UC-sOVlR017r8YsPgIzLDsEA/music
- https://artlist.io/sfx
Tối ưu thời gian render
Một trong những điểm khác biệt khi các bạn làm film kiến trúc so với bộ phim quay thực tế, đó là các bạn phải làm việc với các phần mềm 3D, do đó mình sẽ cần phải quản lý và tối ưu file sao cho thời gian render và xuất bộ phim hiệu quả nhất, đáp ứng deadline mà khách hàng/ bản thân đề ra. Việc sắp xếp, quản lý file và layer lúc này sẽ càng vô cùng quan trọng, cũng như việc tối ưu file. Một trong những cách các bạn có thể tối ưu file của mình đó là chỉ dùng những texture cần thiết. Nếu các bạn setup vật liệu quá phức tạp, hoặc dùng map quá nặng hơn mức cần thiết (vd dùng map 8K thay vì 2K), nó sẽ khiến thời gian render bị lâu ko cần thiết. Ngoài ra mình cũng sử dụng texture theo thứ tự ưu tiên. Vd với những vật thể ở gần, chiếm mảng lớn trong view và cần thấy chi tiết, các bạn có thể dùng texture chi tiết, lớn, tắt blur đi. Và ngược lại, nếu vật thể ở xa thì chúng ta sẽ dùng những texture chất lượng thấp.
Và tất nhiên là còn nhiều yếu tố khác, nhưng trên đây sẽ là các yếu tố mà các bạn nên quan tâm rèn luyện ở giai đoạn đầu khi làm quen với animation.
Sau khi làm qua nhiều dự án thì mình mới hiểu ra rằng, việc để tạo ra một bộ phim animation hay thật sự rất khó. Đó không chỉ là việc các bạn đơn thuần tạo ra setup chuyển động của camera hay một object nào đó, mà các bạn còn phải vững tất cả các kỹ năng của diễn họa, từ composition, lighting cho đến material, để mỗi khung hình đều sẽ đạt được chất lượng thẩm mỹ. Không chỉ vậy, điều quan trọng nhất đó là sự kết nối và thống nhất, để tạo ra một trải nghiệm hoàn hảo nhất cho người xem và thể hiện được thông điệp mà các bạn muốn truyền tải qua bộ phim. Mỗi khung hình, mỗi shot quay đều phải có ý đồ trong đó.
Vậy nên, có một số bạn học viên hỏi mình là tại sao mình không hướng dẫn các hiệu ứng nâng cao hơn trong khóa học Basic Animation như cây chuyển động, hay người chuyển động, thì câu trả lời là bởi vì nó chưa cần thiết. Về kỹ thuật thì những điều đó tụi mình hoàn toàn có thể làm được, và đến một lúc nào đó, khi đã vững vàng thì các bạn cũng sẽ được học và làm về phần này, nhưng mọi sự học đều nên bắt đầu từ gốc, tiếp thu và phát triển một cách có hệ thống. Trước khi tập chạy, chúng ta nên tập đi, và tụi mình sẽ rất vui khi là những người nắm tay để dẫn dắt bạn trên những bước đi đầu tiên đó.
Trên đây là một số chia sẻ cũng như đúc kết của mình – một người cũng bắt đầu trên con đường này từ con số 0. Hy vọng những chia sẻ của mình sẽ giúp ích được phần nào cho các bạn.
Trainer Nguyễn Nguyên